Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh

Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh

Ngày đăng: 24/04/2021 07:31 PM

    Thay đổi thói quen tiêu dùng, kinh doanh

    Năm 2020 có ý nghĩa nổi bật trên con đường phát triển TMĐT của Việt Nam. Với sự đa dạng, thuận tiện, người tiêu dùng đã chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống sang mua hàng qua TMĐT. Còn với doanh nghiệp, đây là dấu mốc chuyển đổi từ nhận thức sang hành động, không phải TMĐT có lợi ích gì mà là làm sao triển khai nó một cách hiệu quả. Còn với các cơ quan quản lý, theo Phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương Nguyễn Thế Quang, chưa bao giờ sự phát triển của kinh tế số cũng như TMĐT nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ như thời gian vừa qua, thể hiện ở các chính sách đã ban hành, như: Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025... với các mục tiêu và giải pháp cụ thể để thúc đẩy TMĐT tăng tốc. Cục TMĐT và Kinh tế số cũng đã triển khai chương trình Gian hàng Việt trực tuyến trên 3 sàn TMĐT lớn tại Việt Nam là Tiki, Sendo và Voso, tạo một sân chơi mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.

    Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của TMĐT đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số. Theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain&Company, với tốc độ tăng trưởng 29% trong cả giai đoạn 2020-2025, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

    Hoàn thiện khung pháp lý chặt chẽ cho TMĐT

    TMĐT mang đến nhiều lợi ích cho nền kinh tế nhưng đồng thời cũng đang đặt ra những thách thức cho các cơ quan quản lý. Như vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức; tranh chấp với đối tác trong TMĐT, đặc biệt các mạng xã hội đang nổi lên là một phương thức giao dịch TMĐT phổ biến nhưng chưa được điều chỉnh... Các hành vi vi phạm trong TMĐT diễn ra ngày càng phức tạp khiến người tiêu dùng còn nhiều lo ngại trong việc mua hàng và thanh toán trực tuyến. Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi TMĐT phát triển nhanh thì hành lang pháp lý vẫn chưa theo kịp, đặc biệt là các quy định liên quan tới TMĐT xuyên biên giới.

    Để xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh cao, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả cần xây dựng khung pháp lý chặt chẽ nhằm quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh này. Cùng với đó, gấp rút xây dựng các chương trình, chính sách, giải pháp khuyến khích hoạt động đánh giá tín nhiệm website, chủ thể kinh doanh TMĐT để gia tăng niềm tin của khách hàng vào các hoạt động mua bán, thanh toán trong môi trường TMĐT.

    Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương Trần Hữu Linh cho biết, các giao dịch thương mại không chỉ thực hiện trên các sàn TMĐT thông thường mà còn trên các mạng xã hội... Với sự phát triển của công nghệ, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên môi trường internet sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng quản lý thị trường trong năm 2021 là tiếp tục kiểm tra, kiểm soát trên TMĐT.

    Để hoàn thiện khung khổ pháp luật về TMĐT, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ Công Thương đang xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về TMĐT. Dự thảo nghị định sẽ bổ sung quy định chủ thể của hoạt động TMĐT; quy định rõ hoạt động TMĐT trên mạng xã hội, mạng xã hội được tổ chức hoạt động tương tự như một hình thức TMĐT truyền thống; sửa đổi quy định về cách thức hiện diện của thương nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động TMĐT trên lãnh thổ Việt Nam...

    Bộ Công Thương cũng yêu cầu Cục TMĐT và KTS xây dựng các chương trình, chính sách, giải pháp khuyến khích hoạt động đánh giá tín nhiệm website TMĐT; hoàn thiện nền tảng tín nhiệm TMĐT; tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng TMĐT; chú trọng phát triển các hạ tầng kỹ thuật cho TMĐT; tăng cường khả năng nhận biết và ứng phó của người tiêu dùng với những hành vi tiêu cực trong TMĐT; chú trọng đầu tư nguồn nhân lực phục vụ phát triển TMĐT...

    Đăng ký trực tuyến

    Vui lòng nhập họ và tên
    Vui lòng nhập địa chỉ
    Vui lòng nhập số điện thoại
    Vui lòng nhập địa chỉ email
    Vui lòng nhập nội dung
    Zalo
    Hotline